Header Ads

Header ADS

Bản Tô Y Phìn Điểm Đến Mới Hấp Dẫn Của Du Khách

 Cách đây chưa lâu, bản rẻo cao Tô Y Phìn của người Mông, xã Lản Nhì Thàng (huyện Phong Thổ, Lai Châu) như một "ốc đảo" giữa núi rừng trùng điệp. Giao thông chia cắt, vào mùa mưa, từ trung tâm xã muốn vào đến bản có khi phải đi bộ mất gần nửa ngày. Đường đi hiểm trở đến mức có thể làm nản lòng bất cứ ai. Vậy mà chỉ sau một thời gian vươn mình đổi mới, nhắc đến Tô Y Phìn, người ta không còn nghĩ đến những cái "nhất" của vùng đất giữa lưng chừng trời như "xa nhất", "đi lại khó khăn nhất", "nghèo đói nhất"...


Giải phóng sức người, sức ngựa

Lên Tô Y Phìn, chúng tôi được người dân trong bản kể lại "quá khứ buồn" của một thời chưa xa, khi chưa có đường thuận lợi cho ô tô, xe máy xuống trung tâm xã. Khi đó, con gà, con dê nuôi được, hạt lúa, củ sắn làm ra không biết bán cho ai, còn hàng hóa thiết yếu lên đến bản phần nhiều phải gùi, cõng hoặc dùng ngựa thồ theo kiểu "của một đồng công một nén".


"Ây dà! Phải cắt rừng, vượt núi từ bản ra bên ngoài, khi cái chân không còn đi được nữa thì mới đến được đoạn đường dễ đi là Quốc lộ 4D, chỗ qua đỉnh Hồng Thu Mán. Thế nên người ngoài vào Tô Y Phìn thì không muốn ra, người ra rồi sợ chẳng dám vào là chuyện bình thường. Cực nhất là vào mùa mưa, cán bộ bản xuống xã họp, nhiều khi không đi nổi, phải quay về. Thế nên Tô Y Phìn rất ít khi có khách..." - Ông Hàng A Chỉnh, một người dân trong bản kể. Như muốn khách hiểu rõ hơn "tình cảnh" của Tô Y Phìn trong cái thế "ốc đảo", ông Thào A Sinh, Bí thư chi bộ bản tiếp lời ông Chỉnh: "Chung quy lại cũng tại bản Tô Y Phìn ở nơi heo hút, trong khi đường sá đi lại quá khó khăn. Cán bộ xã, bản chúng tôi ai cũng biết, cũng hiểu nhưng chưa tìm ra cách nào để giúp đồng bào.

Do vậy, khi có sự chỉ đạo của xã, sự giúp đỡ của cấp trên về việc làm đường về bản, cái bụng người dân trong bản ai cũng mừng...". Cũng theo Bí thư Thào A Sinh, từ nhiều năm trước, Quốc lộ 4D đã được Nhà nước nâng cấp, tu sửa đi lại rất dễ dàng, thuận lợi, nhưng đến tận cuối năm 2016, đoạn nối từ quốc lộ này vào bản mới được "thông" thực sự, đánh dấu việc chấm dứt tình trạng biệt lập của Tô Y Phìn với bên ngoài. Giờ đây, con đường bê tông to đẹp như một dải lụa xuyên giữa núi rừng trùng điệp đã giải phóng sức người, sức ngựa, giúp cho cuộc sống của đồng bào nơi đây được cải thiện rất nhiều.

"Đường giao thông mở ra, trẻ em đến trường thuận lợi hơn. Muốn xuống trung tâm xã hay chợ huyện, bà con không phải đi từ nửa đêm nữa mà xe máy có sẵn, ưng lúc nào đi lúc đấy. Bữa cơm bây giờ cũng ngon hơn, nhờ đường giao thông mang lại đấy..." - Anh Thào A Lử, người dân trong bản nói thêm, ý như muốn xác nhận lời Bí thư Thào A Sinh.

Kỳ vọng về tương lai sáng tươi


Đến thăm các gia đình trong bản Tô Y Phìn, chúng tôi đều nhận thấy mọi người rất vui khi đường sá đi lại thuận tiện hơn, bên cạnh đó việc phát triển hạ tầng sản xuất nông nghiệp phục vụ canh tác của bà con trong bản tốt hơn. Đúng như lời tâm sự của già bản Thào Hảng Páo rằng, việc phát triển cơ sở hạ tầng đã từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân Tô Y Phìn, tạo điều kiện cho họ từng bước nâng cao đời sống. Những "dữ kiện quá khứ" mà già Páo đưa ra đã cho thấy điều đó. Chẳng hạn như trước đây, trình độ canh tác, chăn nuôi của người dân Tô Y Phìn còn lạc hậu, các tiến bộ khoa học chưa được áp dụng nhiều, trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và không ổn định, lại chủ yếu sử dụng sức người và các công cụ sản xuất thô sơ, nên năng suất cũng như chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi không ổn định.

Cùng với đó, còn bộ phận không nhỏ người dân (tổng số 60 hộ với trên 330 nhân khẩu) trong bản Tô Y Phìn còn trông chờ, ỷ lại vào các chế độ chính sách, hỗ trợ của Nhà nước. "Bấy nhiêu vấn đề ngổn ngang khiến cho xã Lản Nhì Thàng cũng như các ban, ngành chức năng huyện Phong Thổ đau đầu tìm cách giải quyết. "Trước chồng chất những khó khăn, với sự giúp sức của Ban Dân vận Huyện ủy Phong Thổ, Đảng bộ xã Lản Nhìn Thàng đã thành lập 1 tổ dân vận thực hiện nhiệm vụ tại bản Tô Y Phìn nhằm giúp đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tích cực chuyển đổi cây trồng phù hợp, ổn định sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Tổ dân vận quyết tâm giúp đồng bào giảm thiểu tỷ lệ hộ tái nghèo cũng như tỉ lệ tái mù chữ của người dân trong bản, nhất là đối với giới trẻ. Dù trong điều kiện như thế nào, chúng tôi cũng khuyến khích các gia đình tạo điều kiện để đầu tư cho con em học hành đến nơi, đến chốn. Bọn trẻ có được học hành thì cuộc sống sau này mới khá lên được..." - Bí thư Thào A Sinh nói.


Trong niềm phấn khởi, anh Hảng A Hải, Trưởng bản Tô Y Phìn thổ lộ: Trước đây đời sống của người dân trong bản rất khó khăn, thiếu cơm ăn, áo mặc, bây giờ nhờ sự quan tâm của huyện, xã cùng sự cố gắng của chính bà con, cuộc sống ngày càng khởi sắc. Những thay đổi có thể nhìn thấy, bắt đầu từ những mái nhà khang trang, chắc chắn cho đến các phương tiện sinh hoạt, sản xuất đắt tiền như xe máy, ti vi, máy xay xát. Tất cả là nhờ 16ha lúa năng suất trung bình đạt 4 tấn/ha, 38ha ngô giống mới cho năng suất trên 3 tấn/ha, trên 1.000 con gia súc, gia cầm các loại mà người dân Tô Y Phìn đang sở hữu.

"Với lợi thế về đất đai, bà con trong bản đã tích cực đưa vào sản xuất các loại giống cây cho năng suất, chất lượng cao thay thế cho các loại giống địa phương bị thoái hóa. Bên cạnh đó, người dân cũng đã biết thâm canh, tăng vụ và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhờ đó mà tình trạng đói giáp hạt gần như không còn..." - Lời tâm sự của vị trưởng bản đầy tâm huyết cùng với những gì chúng tôi được "mắt thấy tai nghe" đã cho thấy, dù khó khăn còn chưa hết, nhưng bản rẻo cao Tô Y Phìn đang vươn mình đổi mới, ngày càng lộ ra sắc thái đầy sức sống giữa vùng rừng núi, như một sự kỳ vọng về tương lai tươi sáng.


Lê Vân

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.